Thiên Văn của Thái Ất Tinh Kinh


Chú giải về Chương Thiên Văn của Thái Ất Tinh Kinh - Thiên động nhi địa tĩnh, kiền khôn phân yên. (Trời động mà Đất tĩnh, Càn Khôn phân ngôi).

Chú giải: Xưa có quan sát vòm trời theo Cái Thiên, theo Hồn Thiên. Tử Vi chính là quan sát theo vòm trời của Cái Thiên mà lấy Địa làm bản thể (hệ tham chiếu), quan sát tượng của các sao trên trời. Địa thì tĩnh cho nên lấy chỗ của Thái Ất (sao Bắc Cực) làm Tôn chủ, phân chia vòng trời thành hai nửa, trông một nửa để biết toàn bộ. Vì thế mà một nửa Xá của 28 Tú là 14 Chính tinh, một nửa Xá của 12 cung là 6 đạo. Cùng với Hồn Thiên giáp tý rất khác biệt. Học giả sau này không biết cái lý của Cái Thiên, thì sẽ chần chừ lưỡng lự, gây ra đi vào con đường sai lầm.

- Thiên tả toàn, tự đông nhi tây, chu thiên thập nhị thì, thị vi nhất nhật, cố trú dạ tương thế.

(Trời xoay về bên trái, từ Đông sang Tây, vòng trời 12 giờ, đúng là 1 ngày, nên ngày đêm đắp đổi).

Chú giải:

Trời xoay về bên trái, tức là cái lý tự quay quanh trục của Trái Đất ngày ngay, do lấy Địa (mặt đất) làm bản thể cho nên thấy Trời xoay sang trái (QNB chú: lúc quan sát sao Thái Ất = sao Bắc Cực, là người quan sát đứng ở mặt đất và hướng mặt về phía Bắc nên thấy bầu trời như từ phía Đông bên tay phải mà quay sang phía Tây bên tay trái). Do đó, phân chia thành 12 giờ, chính là tham số của Tử Vi. Còn "ngày đêm đắp đổi" là lúc theo Tây lịch ngày nay đến thời điểm 23h00, tức là 11 giờ 0 phút 0 giây của đêm hôm trước (cái thuyết giờ Tý sớm giờ Tý muộn là sai lầm không chịu được, để lại di hại vô cùng).

Tử Vi Đẩu Số lấy Tháng Giờ mà định Mệnh cung, bởi lẽ cổ thư diễn đạt không rõ ràng thành ra học giả về sau cứ lý giải loạn cả lên. Nghiên cứu rõ bản chất, chính là lấy giờ Tý làm kim chỉ dẫn, lấy phương pháp cộng thêm trên bàn và trừ đi quan sát, tức là chủ ý của nó rất rõ ràng, cái điều mà người ta gọi là "Đông Hạ trí Nhật", "Xuân Thu trí Nguyệt", cho nên Tinh Tông lấy Nhật làm chủ, nguyên do là lấy giờ Mão ở trong tam "Tung" mà kim chỉ dẫn Lập Mệnh; nhưng mà Tử Vi lấy Nguyệt làm chủ, lại lấy giờ Tý ở trong tam "Hoành" làm kim chỉ dẫn Lập Mệnh; đều là cái lý tự nhiên trong Trời Đất cả. Còn như tại sao lại lấy phép công thêm bàn pháp, thì tham khảo thêm ở Tinh Tông pháp thì biết ngay.

- Nhật hữu toàn, tự tây hướng đông, chu thiên tam bách lục thập ngũ nhật tứ phân chi

nhất, thị vi nhất tuế, cố hàn thử tương dịch.

(Nhật xoay về bên phải, từ Tây hướng về Đông, vòng trời 365 lẻ 1/4 ngày, chính là một năm, cho nên nóng lạnh đổi trao).

Chú giải:

Dùng Địa làm bản thể, thì Nhật Nguyệt như là đều theo trời xoay về bên trái, nhưng mà Nhật Nguyệt đều tự riêng nó chuyển động, Nhật lấy 365.2425 làm chu kỳ hoàn thành một vòng Hoàng Đạo, thì Nhật từ Tây hướng về Đông mà xoay chuyển.

Bởi vì Tử Vi lấy Nguyệt làm chủ, cho nên một năm (1 vòng chu thiên) là 354 hoặc 355 ngày, năm nhuận thì có 384 ngày (giống như Dịch Kinh có 384 hào), mà không có liên quan đến chu kỳ Hoàng đạo thái dương vậy.

- Nguyệt hữu toàn, tự tây hướng đông, chu thiên nhị thập thất nhật tam phân chi nhất; nguyệt vô quang, dĩ nhật quang thành tượng, nhân hữu sóc vọng, sóc nhi phục sóc, nhị thập cửu nhật nhị phân chi nhất, thị vi nhất nguyệt, cố doanh khuy tương gian.

(Nguyệt xoay về bên phải, từ Tây hướng về Đông, vòng trời 27 lẻ 1/3 ngày; vốn dĩ Nguyệt không có ánh sáng, lấy ánh sáng của Nhật mà thành tượng, do có Sóc Vọng, từ Sóc mà trở lại Sóc là 29+1/2 ngày, chính là 1 tháng, cho nên tròn khuyết đan xen nhau).

Chú giải:

Xem phần chú bên trên. Chu kỳ gốc của Nguyệt quay quanh Địa Cầu là 27.3 ngày, do lấy Địa làm bản thể, không thể quan sát được, chỉ có thể lấy Nguyệt Tướng (hình dạng mặt trăng) Sóc Vọng mà theo dõi chu kỳ của nó, gọi là "tháng Sóc Vọng" với chu kỳ là 29.53 ngày (QNB chú: thực ra là do khi Mặt Trăng đang quay quanh Trái Đất thì Trái Đất cũng đồng thời đang quay quanh Mặt Trời, cho nên phải đủ 29.53 ngày thì đứng ở Trái Đất mới có thể thấy lại hiện tượng trăng tròn - Vọng, hay là không ánh trăng - Sóc, tiếp theo của lần thấy trước đó). Vì chu kỳ Sóc Vọng chỉ có 29 ngày rưỡi cho nên Lịch pháp chia ra tháng đủ thì có 30 ngày, còn tháng thiếu thì có 29 ngày.

Mà Tử Vi lấy số ngày Thái Âm lịch phối hợp cung khí Nạp Âm để xác định Tử Vi đến cung nào, đại thể là Tử Vi lấy Thái Âm làm chủ, mà không giống với việc lấy Nhật làm chủ của Tinh Tông. Việc lấy Thái Âm làm chủ này đích thực là "Nguyệt Tướng pháp" (Phép xem hình dạng Mặt Trăng).

- Bắc đẩu thất tinh, toàn cơ ngọc hành dĩ tề thất chính. Đẩu bính chỉ nguyệt kiến, nhật nguyệt hội, tắc kiến tiết khí, nhật nguyệt bất hội, tắc đẩu bính tà chỉ lưỡng thần chi gian, tắc nhuận.

(Bắc đẩu thất tinh, Tuyền Cơ Ngọc Hành dùng ngang với thất chính. Đẩu Bính (cán chòm Bắc đẩu) chỉ vào Nguyệt Kiến, Nhật Nguyệt hội thì thấy Tiết Khí, mà Nhật Nguyệt không hội thì Đẩu Bính chỉ xéo vào khoảng giữa 2 Thần thì sẽ là Nhuận).

Chú giải:

Bắc đẩu thất tinh, có thể chỉ thị bốn mùa thậm chí là cả đơn vị thời gian tháng, gọi là "Đẩu Bính tư kiến". Đẩu Bính chỉ tới 12 cung, là chỗ của Nguyệt Kiến, chính là chỗ mà Nhật Nguyệt tương hội, tức là cung vị của Nguyệt Tướng với cung vị của Nguyệt Kiến tương hợp với nhau. Đẩu Bính hướng về chỗ cung vị mà nếu như Nhật Nguyệt đến hội thì thành một Tiết Khí, còn nếu như Nhật Nguyệt không đến hội thì không thành lập Tiết Khí mà thành ra tháng Nhuận, lúc đó chắc chắn Đẩu Bính chỉ vẹo vào chỗ giữa của 2 khoảng của Thần (thần = tên địa chi của cung). Lịch pháp lấy tháng Sóc Vọng mà không có Trung Khí định là tháng Nhuận đúng chăng, thực ra là phù hợp không có mâu thuẫn gì cả, mà tháng nhuận hay không nhuận chính là do thiên địa tạo hóa cho phép, chứ chẳng phải là do cách làm lịch gây ra.

Nhu cầu cần phải chỉ ra sự phân bố của chính tinh cũng mô phỏng Đẩu Bính tư kiến, mới lấy sao nào đó đại biểu cho Đẩu Bính, lại lấy sao nào đó đại biểu cho Nguyệt Kiến với Nguyệt Tướng, mối quan hệ của 3 cái đó không xuất phát từ cái này, vậy huyền cơ của Tử Vi mà học giả lại không nắm được cái lý của nó thì khó tránh khỏi sự không hiểu được điều kỳ diệu.

Riêng vấn đề tháng Nhuận, cho đến nay vẫn tranh luận không ngừng, mà thuật Thái Ất (nguyệt kế Thái Ất) đã sớm có cái nhìn nhận sáng tỏ rồi, đoạn này cũng tiết lộ yếu chỉ của nó, nghiên cứu thực chất của nó, chính là vấn đề tính toán cung khí của tháng Nhuận ra sao. Nói cách khác là, xác định Can Chi của tháng Nhuận như thế nào? Đáp án của vấn đề này chính là lời giải thỏa đáng cho việc lập Mệnh của tháng Nhuận. Các học giả đời sau không nghiên cứu Thiên Văn Lịch Pháp khó mà tránh được tự mình chuốc lấy phiền toái.

- Nhật hành nhất độ, nguyệt hành thập tam độ thập cửu phân chi thất, cố nhuận hữu thập

tam nguyệt, nhất chương thập cửu niên, thất nhuận.

(Nhật đi 1 độ, Nguyệt đi 13+7/19 độ, cho nên năm Nhuận có 13 tháng, một Chương = 19 năm thì có bảy lần Nhuận).

Chú giải:

Cái này chính là vấn đề "Nguyệt hành bội ly" (Nguyệt đi xa gấp bội) của Thiên văn học cổ đại, vì cớ gì mà một Chương 19 năm lại có 7 Nhuận cùng với "Nguyệt hành bội ly" lại phù hợp như thế? Đây cũng là cái vi diệu của Thiên Địa, quả là không có cái ngọn đèn soi sáng cái tâm lực nông cạn thì liệu có rõ được thế chăng.

- Ngũ tinh thổ mộc hỏa kim thủy, thổ mộc hỏa vu ngoại, kim thủy vu nội, các ti thất thập nhị nhật, vi kiền khôn chi số.

(Ngũ tinh Thổ Mộc Hỏa Kim Thủy, với Thổ Mộc Hỏa ở phía ngoài, Kim Thủy thì ở phía trong, các ti sở 72 ngày mà thành số của Càn Khôn).

Chú giải:

Thổ Mộc Hỏa Kim Thủy gọi chung là Ngũ Tinh, ở tại Thiên thì thành tượng, tại Địa hóa Hình, lại cũng gọi là "Ngũ đức", "Ngũ Vĩ", thứ tự của chúng chắc chắn không thay đổi. Phân chia thành 2 hệ là Thổ Mộc Hỏa hệ có số 216 là số sách của quái Càn, với Kim Thủy hệ có số 144 là số sách của quái Khôn, cho nên viết "Càn Khôn chi số".

- Thủy tinh mỗi nhật nhất lục thì kiến bắc phương, mỗi niên nhất lục nguyệt kiến bắc

phương, mỗi nguyệt nhất lục nhật hội nhật nguyệt vu bắc phương, cố nhất lục hợp thủy vu

bắc. Hỏa tinh mỗi nhật nhị thất thì kiến nam phương, mỗi niên nhị thất nguyệt kiến nam

phương, mỗi nguyệt nhị thất nhật hội nhật nguyệt vu nam phương, cố nhị thất hợp hỏa vu

nam. Mộc tinh mỗi nhật tam bát thì kiến đông phương, mỗi niên tam bát nguyệt kiến đông

phương, mỗi nguyệt tam bát nhật hội nhật nguyệt vu đông phương, cố tam bát hợp mộc vu

đông. Kim tinh mỗi nhật tứ cửu thì kiến tây phương, mỗi niên tứ cửu nguyệt kiến tây

phương, mỗi nguyệt tứ cửu nhật hội nhật nguyệt vu tây phương, cố tứ cửu hợp thủy vu tây.

Thổ tinh mỗi nhật ngũ thập thì kiến trung ương, mỗi niên ngũ thập nguyệt kiến thiên trung,

mỗi nguyệt ngũ thập nhật hội nhật nguyệt vu thiên trung, cố ngũ thập hợp thổ vu trung.

(Thủy Tinh mỗi ngày vào giờ 1, 6 thấy ở Bắc phương; mỗi năm năm vào tháng 1, 6 thì thấy ở Bắc phương; mỗi tháng vào ngày 1, 6 thì hội với Nhật Nguyệt ở Bắc phương. Cho nên 1, 6 hợp Thủy ở Bắc.

Hỏa Tinh mỗi ngày vào giờ 2, 7 thì thấy ở Nam phương; mỗi năm vào tháng 2, 7 thì thấy ở Nam phương; mỗi tháng vào ngày 2, 7 thì hội với Nhật Nguyệt ở Nam phương. Cho nên 2, 7 hợp Hỏa ở Nam.

Mộc Tinh mỗi ngày vào giờ 3, 8 thì thấy ở Đông phương; mỗi năm vào tháng 3, 8 thì thấy ở Đông phương; mỗi tháng vào ngày 3, 8 thì hội với Nhật Nguyệt ở Đông phương. Cho nên 3, 8 hợp Mộc ở Đông.

Kim Tinh mỗi ngày vào giờ 4, 9 thì thấy ở phương Tây; mỗi năm vào tháng 4, 9 thì thấy ở phương Tây; mỗi tháng vào ngày 4, 9 thì hội với Nhật Nguyệt ở Tây phương. Cho nên 4, 9 hợp Kim ở Tây.

Thổ Tinh mỗi ngày vào giờ 5, 10 thì thấy ở Trung Ương; mỗi năm vào tháng 5, 10 thì thấy ở giữa trời; mỗi tháng vào ngày 5, 10 thì hội với Nhật Nguyệt ở giữa trời. Cho nên 5, 10 hợp Thổ ở trung tâm).

Chú giải:

Đây chính là Hà Đồ tinh tượng, xưa nay học giả chỉ biết truyền thuyết linh quy, mà chẳng biết Hà Đồ vốn ở tại thiên tượng. Hà Đồ là sự khái quát của quy luật ẩn hiện của ngũ tinh. Điều này thể hiện trí tuệ của hiền nhân Trung Quốc, vì cớ gì mà lại đi gán ghép chuyện long mã với linh quy các truyền thuyết quái đản?

Tử Vi Đẩu Số cũng ngụ ý bao hàm các quy luật của Hà Lạc, mà cái lý kỳ diệu của nó thực là khó có thể thấu hiểu.

- Thiên địa định vị, lôi phong tương bạc, sơn trạch thông khí, thủy hỏa tương xạ.

(Trời Đất định vị, Lôi Phong tương bạc, Sơn Trạch thông khí, Thủy Hỏa tương xạ)

Chú giải:

Đây chính là nói về phương vị của Tiên Thiên Bát Quái. Tiên Thiên Bát Quái chính là căn nguyên của nạp giáp, mà nạp giáp là gốc của Tứ Hóa trong Tử Vi Đẩu Số. Như lấy dương nhất cục của Thiên Can chính tinh hóa Lộc mà xem xét, thì có thể thấy sơ sơ được cái ý của nó.

- Càn nạp giáp, khôn nạp ất, chấn nạp canh, tốn nạp tân, cấn nạp bính, đoài nạp đinh, ly

nạp nhâm, khảm nạp quý.

Chú giải:

Đây là nói về phép nạp giáp. Nạp giáp có Tiên Thiên thai dục pháp với Hậu Thiên lưu hành pháp. Huyền không địa lý chính là dùng Hậu Thiên nạp giáp, học giả ngỡ rằng nguyên cớ là 24 Sơn không có Mậu Kỷ, mà không biết là Khảm Ly Nhâm Quý chính là cái tuyệt diệu của trời đất tự nhiên, không ai mạnh hơn cả.

Tử Vi Đẩu Số kiêm dụng cả hai (loại nạp giáp) mà thành ra cái dụng của Lộc Kị.

- Khôn ất tựu tốn tân, tốn tân tựu đoài đinh, đoài đinh tựu khảm quý, khảm quý quy khôn

ất. Chấn canh tựu ly nhâm, ly nhâm tựu càn giáp, càn giáp tựu cấn bính, cấn bính quy

chấn canh.

Chú giải:

Đây là nói về nguyên lý của Tiên Thiên Bát Quái biến Hậu Thiên Bát Quái.

Biến của dương quái (tức là Dương quái Tiên Thiên chuyển vị thành quái Hậu Thiên), đầu mối quan trọng của nó ở tại Thất Sát. Biến của âm quái, đầu mối then chốt của nó ở tại Phá Quân (vì sao Thất Sát, vì sao Phá Quân? Từ đây có thể thấy được), cho nên hai sao Thất Sát với Phá Quân ở trên mệnh bàn Đẩu Số luôn luôn xung vào 2 sao Phủ Tướng, đều là căn cứ vào cái lý của Quái, cái mà gọi là "Đắc thử tức hiểu Thất Sát ý, minh chi khả giải Phá Quân tình" (Có được nó thì hiểu được tâm nguyện của Thất Sát, sáng tỏ được nó thì có thể giải được tính tình của Phá Quân).

Đoạn này cũng vạch ra nguyên cớ của Đẩu Số Tứ Hóa, phép nạp giáp chính là nguồn cội của Đẩu Số Tứ Hóa, rồi diễn hóa theo Tiên Hậu Thiên (Quyết viết:

Tiên thiên lộc kỵ âm dữ dương, Khảm ly ký tế thành lưỡng phương. Thủy hỏa tương dịch mậu kỷ môn, Thiên phiên địa phúc kiến cơ lương. Điên đảo càn khôn tư thành mệnh, Cát hung đắc triệu lộc kỵ chương. Dục vấn hóa quyền cứu hà ý,

Càn khôn nhâm quý huyền cơ tàng).

cái lý trong đó thâm sâu, lại không phải là "phiến ngôn chích ngữ" (chỉ dùng một vài lời) là có thể thấy rõ được.

Riêng cái huyền diệu của Tử Vi Đẩu Số, đa phần là ở tại hệ thống Tứ Hóa của nó, do Phá Quân Thiên Tướng Lộc Kị đạo dẫn đồ, Thập nhị cung Tiên Thiên Lộc Kị lưu chuyển đồ, Tiên Thiên Âm Dương Lộc Kị lai vãng đồ, Càn Khôn điên đảo đồ, Phiên thiên đảo địa đồ, Khảm Ly Ký Tế đồ, Cát hung thành triệu đồ hơn 10 loại bức đồ, có thể chứng tỏ sự khác biệt của Tiên Thiên Lộc Kị với Hậu Thiên Lộc Kị, quá trình diễn hóa của Tiên Hậu Thiên Lộc Kị Quyền tinh chính là nguyên lý của thập Can Lộc Kị.

- Bắc cực nhất khảm phương, thiên kỷ cửu ly phương, hà bắc tam chấn phương, thất công đoái phương, tứ phụ tốn phương, thiên trù lục kiền phương, hổ bí nhị khôn phương, hoa cái bát cấn phương, ngũ đế cư trung ương.

(Bắc Cực 1 ở phương Khảm, Thiên Kỷ 9 ở phương Ly, Hà Bắc 3 ở phương Chấn, Thất Công 7 ở phương Đoài, Tứ Phụ 4 ở phương Tốn, Thiên Trù 6 ở phương Càn, Hổ Bôn 2 ở phương Khôn, Hoa Cái 8 ở phương Cấn, Ngũ Đế 5 cư ở Trung Ương).

Chú giải:

Đây là nói về phương vị của số Lạc Thư, với Thiên Kỷ, Hà Bắc, Tứ Phụ,... đều là tên sao thời xưa, ý nghĩa của nó với Lạc Thư đồ là không khác nhau.

- Đông bắc tây nam, long quy hổ điểu, tứ tượng thất chính, thành nhập bát túc. Đông phương thương long, giác, kháng, để, phòng, tâm, vĩ, cơ, thất thập ngũ số; bắc phương huyền quy, đẩu, ngưu, nữ, hư, nguy, thất, bích, cửu thập bát số hựu tứ phân chi nhất; tây phương bạch hổ, khuê, lâu, vị, mão, tất, chủy, sâm, bát thập số; nam phương chu điểu, tỉnh, quỷ, liễu, tinh, trương, dực, chẩn, bách thập nhị số.

(Đông Bắc Tây Nam, Long Quy Hổ Điều, là tứ tượng thất chính, tạo thành 28 Tú. Phương Đông có Thanh Long gồm Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ, số bảy mươi lăm (75); phương Bắc có Huyền Quy gồm Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích, số 98 lẻ 1/4 (98.25); Tây phương có Bạch Hổ gồm Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Sâm, số tám mươi (80); phương Nam có Chu Điểu gồm Tỉnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn, số một trăm mười hai (112)).

Chú giải:

Đây là nói về 28 Tú. Vị quan xem Thiên Văn ngày xưa lấy 28 Tú làm Kinh, lấy Ngũ Tinh làm Vĩ, mà đo lường thiên tượng, nhằm chiêm nhân sự. 14 chính tinh của Tử Vi Đẩu Số chính là hóa thân của 28 Tú, mà không phải là ngôi sao thực nào cả, chính là rút ra tính quy luật của của sự đối ứng (tương ứng, phù hợp) của mối quan hệ giữa 28 Tú và Ngũ Tinh, mà hình thành nên "Hư tinh" vậy. Chứ nó với Nam Đẩu lục tinh và Bắc Đẩu thất tinh là không có liên can gì, chỉ mượn cái tên của chúng như thế thôi.

Nam đẩu lục tinh nằm ở phương Bắc chỗ Tú Đẩu của chòm Huyền Vũ và do 6 ngôi sao cấu thành nên, vị quan xem thiên văn xưa gọi là Thiên Phủ, Thiên Tướng, Thiên Lương, Thiên Cơ, Thiên Đồng cùng với Thiên Khố Lâu, trong số đó thì Tử Vi mượn dùng 5 ngôi.

Bắc đẩu thất tinh là Tham Lang, Văn Khúc, Liêm Trinh, Cự Môn, Vũ Khúc, Phá Quân, Lộc Tồn, trong đó Tử Vi cũng mượn dùng 5 ngôi (chính tinh), ngoài ra thêm Thất Sát, Tử Vi, Nhật Nguyệt là gọi chung bằng 14 chính tinh.

- Nhất tuế nhật nguyệt tương hội thập hữu nhị, viết: tinh kỷ, huyền hiêu, giáng lâu, đại lương, thực trầm, thuần thủ, thuần hỏa, thuần vĩ, thọ tinh, đại hỏa, tích mộc, nhập bát túc liệt yên, ngũ tinh kiến yên.

(Mỗi một năm thì Nhật Nguyệt tương hội 12 lần, viết: tinh kỷ, huyền hiêu, giáng lâu, đại lương, thực trầm, thuần thủ, thuần hỏa, thuần vĩ, thọ tinh, đại hỏa, tích mộc, chỗ của 28 Tú bày ra, nơi Ngũ Tinh được thấy).

Chú giải:

Đây là nói về 12 Thứ, cái gọi là "Nhập bát tú liệt yên, ngũ tinh kiến yên" đó chính là ý nghĩa của Kinh và Vĩ, cho nên Ngũ Tinh còn có tên là "Ngũ Vĩ". Cùng với đoạn dưới 12 Thần, 12 cung, tương hợp, tức là Thiên Địa Nhân tương giao cảm ứng, cho nên toàn bộ Tượng của Tử Vi đều có thể thể hiện ở trong 12 cung vị tại Địa Bàn.

- Thiên hữu thập nhị thứ, địa hữu thập nhị thần, nhân hữu thập nhị cung.

(Thiên có 12 Thứ, Địa có 12 Thần, Nhân có 12 cung).

Chú giải: xem chú giải ở trên.

- Thiên khai vu tý, địa tịch vu sửu, nhân sinh vu dần. Chu chính kiến tý, ân chính kiến sửu, hạ chính kiến dần.

(Trời mở ở Tý, Đất mở ở Sửu, Người sinh ở Dần.

Chú giải:

Tý Sửu Dần chính là Thiên Địa Nhân tam nguyên (3 cái căn bản đầu tiên) của Đẩu Số, cái lý vô cùng của nó xuất phát từ đây. Cho nên quyển nhị "chương Lý Tượng" viết: "Tý Tham Lang, Sửu Phá Quân, Dần Thất Sát. Thiên Địa Nhân tam tài đủ cả vậy".

QNB chú: cái đoạn "Chu chính kiến tý, ân chính kiến sửu, hạ chính kiến dần", theo QNB hiểu thì muốn nói đến việc sử dụng lịch pháp của 3 triều đại, nhà Chu dùng lịch kiến Tý, nhà Ân dùng lịch kiến Sửu, nhà Hạ dùng lịch kiến Dần".

- Dần thân nhất, mão dậu nhị, thìn tuất tam, tị hợi tứ, tý ngọ ngũ, sửu mùi lục.

(Dần Thân 1, Mão Dậu 2, Thìn Tuất 3, Tị Hợi 4, Tý Ngọ 5, Sửu Mùi 6).

Chú giải:

Đây là nói về lục đạo. Dần cung làm điểm gốc tọa độ, là điểm gốc 0 độ trong hệ tọa độ, cho nên Tử Phủ xuất ở Thân mà nhập ở Dần (tức là khởi điểm nhịp rung động của các Cục trong Tử Vi là Dậu Ngọ Hợi Thìn Sửu Dần, quyển 2 "chương Lý Tượng" có phân tích), nên Dần là 1. Dần Thân, Mão Dậu, Thìn Tuất, Tị Hợi, Tý Ngọ, Sửu Mùi chính là 6 đạo của Cái Thiên quan, theo thứ tự sắp xếp khoảng cách, được âm dương ngũ cục, số giao của chúng cũng đều do 1 đến 6.

- Mão thìn tị ngọ mùi hoàng đạo, dậu tuất hợi tý sửu hắc đạo, kỳ dữ nhật nguyệt hà như tai?

(Mão Thìn Tị Ngọ Mùi Hoàng Đạo, Dậu Tuất Hợi Tý Sửu Hắc Đạo, cái đó cùng với Nhật Nguyệt như thế nào mới phải?)

Chú giải:

Nguyệt có 9 đạo, Tử Vi chỉ dùng có Hắc đạo Hoàng đạo. Cho nên giảng Nhật Nguyệt, có thuyết Hoàng Đạo Hắc Đạo, cái này thường thấy ở trong các bài phú cổ "Chư tinh vấn đáp luận".


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn